QUYẾT ĐỊNH 3635/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI 18 VỊ THUỐC ĐÔNG Y

QUYẾT ĐỊNH 3635/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI 18 VỊ THUỐC ĐÔNG Y
BỘ Y TẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 3635/QĐ-BYT
Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2014

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI 18 VỊ THUỐC ĐÔNG Y
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Căn cứ theo Quyết định 4079/QĐ-BYT ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Phương pháp chế biến bảo đảm chất lượng đối với 18 vị thuốc đông y".
Điều 2. “Phương pháp chế biến bảo đảm chất lượng đối với 18 vị thuốc đông y” áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng, Cục trưởng các Cục, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng y tế các ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng BYT (để biết);
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế;
- Lưu: YT, YDCT.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

PHƯƠNG PHÁP
CHẾ BIẾN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI 18 VỊ THUỐC ĐÔNG Y
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3635/QĐ-BYT ngày 16/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
1. BỔ CỐT CHỈ CHẾ
Semen Psoraleae corylifoliae Praeparata
Tên khác: Bốt cốt chi, Phá cố chỉ, Đậu miêu chế
Bổ cốt chỉ chế là sản phẩm đã chế biến từ hạt quả chín của cây Bổ cốt chỉ (Psoralea corylifolia L.), họ Đậu (Fabaceae).
Phương pháp chế biến
Bổ cốt chỉ chế muối (Diêm Bổ cốt chỉ):
Bổ cốt chỉ         1,0 kg
Muối ăn            20 g  
Hòa tan hoàn toàn 20 g muối ăn vào vừa đủ 100 ml nước (dung dịch A);
Bổ cốt chỉ loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô;
Phun dung dịch A vào Bổ cốt chỉ, trộn đều, ủ 30 - 45 phút cho ngấm đều;
Sao nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra để nguội.
Có thể sao Bổ cốt chỉ hơi phồng sau đó phun nước muối vào dần, sao đến khô là được.
Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến
Mặt ngoài hạt màu nâu đen, phồng đều, có vết nhăn và rạn nứt rõ. Thể chất hạt cứng, mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay, đắng.
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4 – DĐVN IV).
Bản mỏng: Silica gel GF254 tráng sẵn
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (nhiệt độ sôi 60 – 90 oC) - ethyl acetat - methanol (20:15:1).
Dung dịch thử: Ngâm 0,5 g bột bổ cốt chi chế muối trong 10 ml cloroform (TT) khoảng 1 giờ, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên bếp cách thủy đến cắn khô. Hòa tan cắn trong 1 ml cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan hỗn hợp hai chất psoralenisopsoralen trong cloroform (TT) để được dung dịch có chứa mỗi chất 0,5 mg/ml. Nếu không có hai chất đối chiếu trên lấy 0,5 g bột Bổ cốt chỉ đã chế biến (mẫu chuẩn), chiết giống như mẫu thử để làm dung dịch đối chiếu.  
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 – 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Quan sát các vết dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Sắc ký đồ của dung dịch  thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Bổ cốt chỉ chế muối không quá 8.5 % (Phụ lục 12.13 – DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 15 %.
Tính vị, quy kinh
Vị tân, khổ; Tính ôn; Quy kinh: thận, tỳ
Công năng, chủ trị
Bổ mệnh môn hỏa, chỉ tả.
Chủ trị: Liệt dương, di tinh, đái dầm, niệu tần, ỉa chảy, thắt lưng đầu gối đau lạnh, dùng ngoài chữa bạch biến.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 – 9 g, dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác
Dùng ngoài: Dạng cồn thuốc 20 - 30%, bôi chỗ bị bệnh.
Kiêng kỵ
Âm hư hỏa vượng, tiểu tiện ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa, đại tiện táo bón, viêm đường tiết niệu không nên dùng.
Thận trọng khi sử dụng dài ngày.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
2. CÁT CĂN CHẾ
Radix Puerariae thomsonii Praeparata
Cát căn chế là sản phẩm đã chế biến từ rễ củ cây Sắn dây (Pueraria  thomsonii Benth.), họ Đậu (Fabaceae).
Phương pháp chế biến
Cát căn phiến
Lấy các đoạn Cát căn có độ ẩm không quá 14%, ngâm ngập vào nước khoảng 30 phút, rửa sạch, để ráo nước, thái phiến dài khoảng 3 – 5 cm,  dầy 3 – 4 mm. phơi hoặc sấy khô.
Cát căn sao vàng
Lấy Cát căn phiến, sao đều tới khi mặt ngoài của phiến có mầu vàng hoặc hơi vàng.
Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến 
Cát căn sau khi chế biến, phía mặt ngoài phiến có mầu vàng hoặc hơi vàng, bên trong phiến có mầu trắng.
Định tính
Phản ứng hóa học
Lấy khoảng 5 g bột thô Cát căn đã chế biến cho vào bình nón có thể tích 50 ml, thêm 20 ml methanol (TT), đun trên cách thủy sôi 20 phút. Lọc. Dịch lọc làm bay hơi bớt trên cách thủy còn khoảng 5 ml. Đem dịch này cho vào 3 ống nghiệm nhỏ, mỗi ống 1 ml.
Ống 1, thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện mầu vàng đậm.
Ống 2, thêm vài giọt dung dịch nhôm clorid 10% (TT), xuất hiện mầu vàng đậm.
Ống 3, thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid  5% (TT), xuất hiện mầu đen.
Sắc ký lớp mỏng
Lấy khoảng 2 g bột Cát căn thô đã chế biến, thêm 20 ml methanol (TT), lắc đều, để yên trong 2 giờ. Lọc. Dịch lọc cô trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 1ml ethanol (TT) để làm dịch chấm sắc ký lớp mỏng.
Chất hấp phụ: Bản mỏng Silicagel GF 254 (Merck) tráng sẵn, hoạt hóa ở 110 0C, trong 1 giờ.
Hệ dung môi khai triển: Toluen – ethylacetat – acid formic (5 : 4 : 1)
Thuốc thử hiện mầu: Dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT).
Tiến hành
Chấm riêng biệt 10 μl dịch chiết Cát căn phiến và Cát căn sao vàng lên cùng bản mỏng, sau khi khai triển với hệ dung môi trên, lấy ra để khô bản sắc ký ở nhiệt độ phòng, sau đó phun dung dịch hiện mầu nói trên.
Quan sát các vết xuất hiện trên bản mỏng. Tính giá trị Rf
Kết quả: Trên sắc ký đồ, Cát căn phiến, Cát căn sao vàng đều xuất hiện 5 vết có Rf và mầu sắc (đen) giống nhau.
Định lượng chất chiết được trong methanol
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng với dung môi methanol (TT). Cân chính xác khoảng 2 g bột Cát căn thô đã chế biến, mỗi loại cho vào bình nón nút mài có dung tích 100 ml. Thêm chính xác 50 ml methanol (TT). Đậy kín, đem cân chính xác khối lượng, rồi để yên 1giờ. Sau đó, đem bình nón lắp với ống sinh hàn ngược, đun hồi lưu trên cách thủy sôi 1giờ. Để nguội, lấy bình nón ra. Đậy kín. Cân để xác định lại khối lượng. Dùng methanol  bổ sung phần khối lượng bị giảm. Lọc qua phễu lọc khô vào một bình nón khô, thích hợp. Bỏ 5 ml dịch lọc đầu. Lấy chính xác 25 ml dịch lọc sau cho vào cốc thủy tinh đã cân bì trước. Cô trên cách thủy đến cắn khô. Cắn thu được sấy ở nhiệt độ 105 0C trong 3 giờ. Lấy ra, để nguội trong bình hút ẩm 30 phút. Cân. Xác định khối lượng cắn. Tính phần trăm lượng chất chiết được theo dược liệu khô kiệt, với công thức:
X (%) =  
X, hàm lượng chất chiết được trong methanol (%)
a, lượng cắn thu được (g)
p, khối lượng mẫu đem thử (g)
d, độ ẩm (%)
Kết quả, chất chiết được trong methanol ở Cát căn chế biến, không dưới 5 %
Độ ẩm
Không quá 10 % (Cát căn sao vàng), 12 % (Cát căn phiến)
[phụ lục 9.6, 1 g, 105 0C, 4 h - DĐVN IV].
Tỷ lệ hư hao
Khoảng 15 % với Cát căn phiến, khoảng 10 % với Cát căn sao vàng.
Tính vị, quy kinh
Vị tân, cam; Tính lương, bình. Quy kinh: tỳ, vị.
Công năng, Chủ trị
Phát hãn, hạ nhiệt, giải cơ, giải độc, sinh tân chỉ khát, thanh tràng chỉ lỵ.
Chủ trị:
- Cát căn phiến dùng trong các trường hợp sốt do cảm mạo phong nhiệt, đau đầu cứng gáy, sởi chưa mọc, các chứng bí tiểu tiện, tiểu buốt, dắt.
- Cát căn sao vàng làm giảm tính phát hãn của vị thuốc, dùng trong các chứng tiêu khát, mụn nhọt, lở loét niêm mạc miệng.
Cách dùng, liều lượng
Ngày 8 g - 12 g, dưới dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Những người huyết hư mà đau đầu dùng phải thận trọng vì Cát căn có tính thăng tán.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
3. CỐT TOÁI BỔ CHẾ
Rhizoma Drynariae Praeparata
Tên khác: Tắc kè đá chế
Cốt toái bổ chế là sản phẩm đã chế biến của thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cốt toái bổ [(Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J. Sm.) hoặc (Drynaria bonii H. Christ)], họ Dương xỉ (Polypodiaceae)
Phương pháp chế biến
Cốt toái bổ sao vàng
Cốt toái bổ phiến sao tới khi phiến thuốc có mầu nâu đậm với loài (Drynaria fortunei) hoặc mầu vàng đậm với loài (Drynaria bonii). Loại hết vỏ bần và lông nhỏ. 
Cốt toái bổ chích rượu
Cốt toái bổ phiến          1,0 kg
Rượu trắng (30- 35%)    200 ml
Lấy rượu phun đều vào cốt toái bổ phiến, trộn đều. Ủ 30 phút đến 1giờ cho ngấm hết rượu. Sao nhỏ lửa tới khô đến khi mặt phiến có mầu nâu hoặc mầu vàng.
Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến
Cốt toái bổ đã chế biến: có thể chất giòn, mầu nâu đậm hoặc vàng đậm.
Định tính
Lấy khoảng 5g bột thô cốt toái bổ chế cho vào dụng cụ Soxhlet có thể tích 100 ml, loại tạp bằng 80 - 120 ml ether dầu hỏa (TT). Lấy ra để bay hết hơi ether dầu hỏa. Chiết tiếp bằng 80 - 120 ml methanol 80% (TT). Thu hồi dung môi dưới áp suất giảm tới khi còn khoảng 5 ml. Bốc hơi hết methanol trên cách thủy sôi. Cắn được hòa tan trong 10ml ethylacetat (TT). Lọc. Bốc hơi ethylacetat trên cách thủy sôi tới cắn. Thêm 5 ml methanol 80% (TT) để hòa tan cắn, dùng làm các phản ứng hóa học và sắc ký lớp mỏng.
Phản ứng hóa học
Lấy dịch chiết trên, cho vào 3 ống nghiệm nhỏ, mỗi ống 1 ml.
Ống 1, thêm 5 giọt acid hydrocloric đậm đặc (TT) và một ít bột magnesi (TT). Lắc đều, sau vài phút xuất hiện mầu hồng.
Ống 2, thêm 1 ml dung dịch natri hydroxyd 0,1N (TT), màu vàng của dung dịch tăng lên.
Ống 3, thêm 5 giọt dung dịch Fe (III) clorid 5% (TT), xuất hiện mầu xanh lục.
Sắc ký lớp mỏng
Chất hấp phụ: Bản mỏng Silicagel tráng sẵn GF­254 (Merck), được hoạt hóa ở 105 0C, trong 1giờ.
Hệ dung môi khai triển:
Ethyl acetat - methanol - nước - acid acetic (100 : 17 : 13 : 1)
Hiện mầu: Hơi amoniac đặc (TT) .
Tiến hành
Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl, mỗi mẫu cốt toái bổ chế, sau khi khai triển với hệ dung môi trên, lấy ra để khô bản sắc ký ở nhiệt độ phòng rồi đặt vào bình bão hòa hơi amoniac đặc (TT).
Quan sát các vết xuất hiện. Tính giá trị Rf.
Kết quả: Trên sắc ký đồ, cốt toái bổ sao vàng và chích rượu đều cho 5 vết mầu vàng có Rf giống nhau. 
Định lượng (flavonoid toàn phần)
Cân chính xác khoảng 20 g bột thô cốt toái bổ đã chế biến, đã xác định độ ẩm, cho vào Soxhlet có dung tích 100 ml với 80 - 120 ml ether dầu hỏa (độ sôi khoảng 30 – 600C) (TT) đặt trên cách thủy sôi để loại tạp. Lấy ra, làm bay hết hơi ether dầu hỏa, chiết flavonoid với 80 - 120 ml methanol 80 % (TT) cho đến hết flavonoid (thử bằng phản ứng hơ trên hơi amoniac đặc). Thu hồi methanol dưới áp suất giảm. Phần dịch còn lại đem bay hết methanol trên cách thủy đến cắn. Hòa cắn với 20 ml nước cất, đun cách thủy sôi 15 phút cho tan hết cắn. Để nguội. Chiết với ethylacetat (TT) 5 lần, mỗi lần 10 ml cho đến khi hết mầu. Thu hồi dịch chiết ethylacetat dưới áp suất giảm. Dịch còn lại cho vào một cốc thủy tinh đã cân bì trước. Bay hơi hết ethylacetat trên cách thủy sôi. Sấy ở nhiệt độ 50 - 700C tới trọng lượng không đổi. Cân.
Hàm lượng flavonoid toàn phần được  tính theo công thức:
X (%)  = 
Trong đó:
X, hàm lượng flavonoid (%)
m, khối lượng cắn thu được (g)
a, khối lượng cốt toái bổ đem định lượng (g)
d, độ ẩm của cốt toái bổ đem định lượng (%)
Kết quả: Hàm lượng flavonoid toàn phần của cốt toái bổ chế không dưới 0,4%.  
Độ ẩm
Không quá 10% với cốt toái bổ sao vàng, với cốt toái bổ chích rượu, không quá 12% (phụ lục 9.6, 3 g, 105 0C, 4 h - DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 20% với cốt toái bổ chích rượu, 25% với cốt toái bổ sao vàng.
Tính vị quy kinh
Vị khổ, cam, vi tân; Tính ôn. Quy kinh: can, thận.
Công năng, chủ trị
Bổ thận, mạnh gân cốt, làm liền xương, chỉ thống.
Chủ trị:
Cốt toái bổ sao vàng: dùng trong các bệnh đau lưng, đau xương khớp, gẫy xương, đau răng, chảy máu chân răng, ù tai;
Cốt toái bổ chích rượu: dùng trong các bệnh bong gân, sưng tấy cơ nhục.
Cách dùng: Ngày 6 - 12g, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Không dùng cho các trường hợp sốt do thận hư, âm hư, tiểu tiện bí dắt, miệng đắng, lưỡi khô.
Bảo quản.
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
4. ĐỘC HOẠT CHẾ
Radix Angelicae pubescentis praeparata
Độc hoạt chế là sản phẩm đã chế biến từ rễ phơi hay sấy khô của cây Độc hoạt (Angelica pubescens Maxim.), họ Hoa tán (Apiaceae).
Phương pháp chế biến
Độc hoạt phiến
Rễ độc hoạt được loại bỏ tạp chất, rửa sạch, để ráo nước, ủ cho mềm, thái lát dày 1 – 2 mm, phơi âm can hoặc sấy ở nhiệt độ dưới 600C đến khô.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Rễ Độc hoạt sau chế biến là những lát khô nhuận, màu nâu xám, vị cay, rất đắng.
Định tính
Phản ứng hóa học
- Lấy 3 g bột độc hoạt đã chế, thêm 3 ml ether (TT), đun trên cách thủy hồi lưu 1 giờ, lọc và bốc hơi dịch lọc đến khô. Thêm vào cắn 30 ml ether dầu hỏa (độ sôi 30-60°C) (TT), lắc và lọc, bốc hơi dịch lọc. Hòa tan cắn trong 3 ml ethanol (TT) (dung dịch A), rồi đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm) sẽ có huỳnh quang xanh tía.
- Lấy 1 ml dung dịch A, thêm 3 giọt dung dịch hydroxylamin hydroclorid  70% trong methanol (TT) mới pha và 3 giọt dung dịch kali hydroxyd 10% trong methanol (TT), đun nóng nhẹ trên cách thủy, để nguội rồi thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 1% trong acid hydrocloric (TT), lắc mạnh sẽ xuất hiện màu vàng cam.
Sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4, DĐVN IV)       
Bản mỏng : Silica gel 60 F254 đã tráng sẵn
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat - aceton (8 : 2 : 0,5)
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột độc hoạt đã chế, thêm 10 ml ether (TT), ngâm qua đêm, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy tới khô, hòa tan cắn trong 2 ml cloroform (TT).
Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 2 μl dung dịch thử. Sau khi triển khai với hệ dung môi trên, lấy bản mỏng ra để khô ở trong không khí rồi đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải xuất hiện 5 vết huỳnh quang màu xanh tía.
Định lượng chất chiết được trong ether
Cân chính xác khoảng 2 g bột độc hoạt đã chế (qua rây có kích thước mắt rây 0,250 mm), để dược liệu trong bình hút ẩm chứa phospho pentoxyd (TT) trong 48 giờ, sau đó cân dược liệu, cho vào bình Soxhlet, thêm 70 ml ether (TT) và 1 số hạt thủy tinh. Đun hồi lưu trên cách thủy trong 4 giờ, để nguội, lọc, rửa bình và cặn bằng ether (TT), gộp dịch lọc và dịch rửa vào bình định mức 100ml, thêm ether (TT) đến vạch, lắc đều. Lấy chính xác 50 ml dịch chiết, cho vào 1 cốc có mỏ đã được sấy đến khối lượng không đổi, bốc hơi dịch chiết ether ở nhiệt độ thường rồi đặt trong bình hút ẩm có chứa phosphor pentoxyd (TT) trong 24 giờ, xác định lượng cắn dược liệu. Chất chiết được trong ether không được dưới 3,1% tính theo dược liệu khô kiệt.
Độ ẩm
Không quá 12% (Phụ lục 12.13 - DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 25%.
Tính vị, quy kinh
Vị tân, khổ; Tính vi ôn. Quy kinh: thận, can, bàng quang.
Công năng, Chủ trị
Khu phong, trừ thấp, chỉ thống. Chủ trị: Phong hàn thấp tý, thắt lưng và đầu gối đau, đau đầu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 - 9 g. Dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Huyết hư hỏa vượng, vệ khí hư thì không nên dùng.
Thận trọng: Phụ nữ có thai
Bảo quản
Nơi khô, tránh mốc, mọt.
5. HY THIÊM CHẾ
Herba Siegesbeckiae Praeparata
Hy thiêm chế là sản phẩm đã chế biến từ bộ phận trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.), họ Cúc (Asteraceae).
Phương pháp chế biến:
Hy thiêm tẩm rượu:
Hy thiêm                       1,0 kg
Rượu                            200 ml
Dùng Hy thiêm đã cắt đoạn, cho vào dụng cụ, thêm rượu trộn đều, đậy kín, ủ khoảng 30 phút - 1h cho tới khi rượu ngấm hoàn toàn. Lấy ra phơi hoặc sấy khô.
Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến
Hy thiêm sau chế có màu xám. vị đắng.
Độ ẩm 
Không quá 12% (Phụ lục 9.6 - 2 g, 1000C, 4 giờ - DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 22%
Tính vị, qui kinh
Vị khổ; Tính hàn. Quy kinh: can, thận
Công năng, chủ trị
Trừ phong thấp. Thanh nhiệt, giải độc.
Chủ trị:
Đau khớp do phong thấp, đau yếu thắt lưng, đầu gối, tê bại, đau buốt tứ chi, bán thân bất toại, chân tay tê buốt
Cách dùng, liều lượng
Ngày 12 - 16 g, dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt
6. KHOẢN ĐÔNG HOA CHẾ
Flos Tussilaginis farfarae Praeparata
Khoản đông hoa chế là sản phẩm đã chế biến từ cụm hoa chưa nở đã phơi hay sấy khô của cây Khoản đông (Tussilago farfara L.), họ Cúc (Asteraceae).
Phương pháp chế biến
Khoản đông hoa sơ chế
Loại bỏ tạp chất và cuống hoa còn sót lại. Rửa sạch, phơi và sấy khô.
Khoản đông hoa chế mật
Khoản đông hoa (đã sơ chế)                 1,0 kg
Mật ong luyện                                       200 g
Lấy Mật ong hòa loãng với nước sôi được khoảng 180 ml, trộn đều dịch mật với Khoản đông hoa, ủ cho mật thấm đều, sao nhỏ lửa cho đến khi có màu vàng nâu, có các chấm đậm màu trên bề mặt vị thuốc, sờ không dính tay. Lấy ra, để nguội.
Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến
Vị thuốc là các cụm hoa đơn độc, dài 2 - 2,5cm, phần trên rộng hơn và phần dưới thon dần. Màu nâu nhạt nhưng không đều, trên bề mặt vị thuốc có các chấm đậm màu hơn, mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng và cay, hơi ngọt.
Định tính
Phản ứng hóa học
Lấy 1 g bột Khoản đông hoa đã chế mật, thêm 10 ml ethanol 96 % (TT) đun sôi, lắc kỹ, lọc lấy dịch lọc làm phản ứng. Lấy 1 ml dịch lọc thêm 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), có màu xám đen và có tủa.
Sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4 – DĐVN IV).
Bản mỏng: Silica gel GF254 tráng sẵn
Dung môi khai triển: Cyclohexan - ethylacetat (9,5 : 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột Khoản đông hoa đã chế, thêm 2 ml ether dầu hoả (40 - 60 oC) (TT), ngâm và thỉnh thoảng lắc trong 1 giờ. Lọc, bốc hơi tự nhiên đến cắn. Hòa cắn trong 1 ml cloroform (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột Khoản đông hoa chế (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, bản mỏng được để khô ngoài không khí hay sấy nhẹ cho bay hết dung môi. Soi dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm sau đó phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), sấy 105 oC cho đến khi xuất hiện vết. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 14% (Phụ lục 9.6, 1g, 105 oC, 5 giờ – DĐVN IV).
Tạp chất
Nụ hoa biến thành màu đen: Không quá 0,5%. Không có cuống và hoa vụn nát. (Phụ lục 12.11 – DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 15 %.
Tính vị, qui kinh
Vị tân, cam; Tính ôn. Quy kinh: phế.
Công năng, chủ trị
Nhuận phế hóa đờm, chỉ khái, giáng nghịch. Chủ trị: Ho và suyễn, hư lao.
Khoản đông hoa chích mật ong giảm bớt tính ôn, tăng tính nhuận. Tác dụng nhuận phế, chỉ ho.
Cách dùng, liều lượng
Ngày 5 – 9 g, phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người âm hư phế nhiệt, phế táo.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
7. KHƯƠNG HOẠT CHẾ
Rhizoma et Radix Notopterygii Praeparata
Khương hoạt chế là sản phẩm đã chế biến thân rễ và rễ đã phơi khô của cây Khương hoạt (Notopterygium incisum Ting ex H. T. Chang) hoặc Khương hoạt lá rộng (Notopterygium forbesii Boiss.), họ Hoa tán (Apiaceae).
Phương pháp chế biến
Khương hoạt phiến
Loại bỏ hết tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày khoảng 5 mm, phơi âm can hoặc sấy ở nhiệt độ dưới 600 cho đến khô.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Khương hoạt sau chế biến là những lát màu nâu vàng, khô, dễ gãy, mùi thơm hắc, vị đắng và cay.
Độ ẩm
Không quá 14 % (Phụ lục 12.13 -  DĐVN IV ).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 20%.
Tính vị, quy kinh
Vị tân, khổ; Tính ôn. Quy kinh: bàng quang, can, thận.
Công năng, chủ trị
Phát tán phong hàn, trừ phong thấp, chỉ thống, phát hãn, giải biểu. Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, phong thấp, mình mẩy, chân, tay, các khớp đau nhức, thiên về đau ở nửa người trên.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 - 9g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Chứng thực nhiệt, hư nhiệt không nên dùng.
Bảo quản:
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt
8. KIM ANH CHẾ
Fructus Rosae laevigatae Praeparata
Kim anh chế là sản phẩm đã chế biến từ quả già đã phơi hay sấy khô của cây Kim anh (Rosa laevigata Michx.), họ Hoa hồng (Rosaceae).
Phương pháp chế biến
Kim anh sao vàng
Lấy Kim anh đã bỏ hạt đem sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ phía ngoài vỏ quả có mầu vàng nâu. Đổ ra, chà xát, sàng bỏ hết các gai trên vỏ quả.
Kim anh chích muối
Kim anh đã bỏ hạt         1,0 kg
Muối ăn                        8,0 g
Muối ăn hòa trong 180 ml nước (dịch muối ăn). Trộn đều dịch muối ăn với kim anh đã bỏ hạt. Ủ 30 phút cho ngấm đều. Lấy ra đồ chín khoảng 1 giờ (kể từ lúc hơi bốc mạnh trên mặt nồi chõ). Phơi hoặc sấy khô, rồi chà xát, sàng bỏ hết các gai trên vỏ quả. 
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Kim anh sau khi chế biến là những mảnh của một nửa vỏ quả, có dạng lòng máng, mầu vàng nâu (sao vàng), nhấm có vị chua, chát se, hơi ngọt, hoặc hơi mặn (Kim anh chích muối). 
Định tính
Phản ứng hóa học
Lấy khoảng 2 g bột thô Kim anh đã chế biến, cho vào bình nón có thể tích 50 ml, thêm 20 ml nước cất, đun sôi 10 phút trên bếp bảo ôn. Lọc lấy dịch chiết, làm các phản ứng sau.
Lấy dịch chiết trên cho vào 3 ống nghiệm nhỏ, mỗi ống 2 ml.
Ống 1, thêm 0,5 ml natri hydrocarbonat 20 % (TT), thêm một giọt dung dịch sắt (III) clorid  5% (TT). Lắc nhẹ, dung dịch  xuất hiện mầu tím đậm. Thêm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 10 % (TT), dung dịch mất mầu.
Ống 2, thêm vài giọt dung dịch chì acetat 10 % (TT), xuất hiện tủa bông
Ống 3, thêm 1 ml thuốc thử Fehling (TT), đun sôi, xuất hiện tủa đỏ gạch.
Sắc ký lớp mỏng
Dung dịch thử: lấy 5 g bột Kim anh thô đã chế biến, cho vào bình nón nút mài, có thể tích 100 ml, lắp với ống sinh hàn ngược, thêm vào 30 ml ethanol 60 %, đun hồi lưu cách thủy, sôi 1 giờ. Để nguội, lọc dịch chiết vào một cốc có mỏ. Thêm vào dịch lọc 2 ml amoni sulfat 10 % (TT). Quấy đều. Để lắng. Lọc lấy tủa. Đem tủa hòa tan bằng 5 ml dung môi aceton – nước (6 : 1). Bay hơi dung môi trên cách thủy sôi, được cắn, rửa cắn bằng ether ethylic vài lần. Bay hết hơi ether, rồi hòa tan cắn bằng 1 ml ethanol 60 %, dùng để chấm sắc ký lớp mỏng.
Chất hấp phụ: Bản mỏng Silicagel GF 254 (Merck) tráng sẵn, hoạt hóa ở 110 0C trong 1 giờ.
Hệ dung môi khai triển: Cloroform - ethylacetat - acid formic (2 : 5 : 2)
Hiện mầu: Dung dịch sắt (III) clorid  5% (TT) -  methanol  (1 : 1).
Tiến hành
Chấm lên bản mỏng 5 μl dịch chiết Kim anh chế, sau khi khai triển với hệ dung môi trên, lấy ra để khô bản sắc ký ở nhiệt độ phòng rồi phun dung dịch thuốc thử hiện mầu nói trên.
Quan sát các vết xuất hiện trên bản mỏng. Tính giá trị Rf
Kết quả: Trên sắc ký đồ Kim anh chế xuất hiện 5 vết có mầu xanh đen. 
Độ ẩm
Kim anh sao vàng không quá 10%, Kim anh chích muối không quá 12% (phụ lục 9.6, 1 g, 105 0C, 4 h - DĐVN IV).
Tính vị quy kinh
Vị toan, vi cam; Tính bình. Quy kinh: phế, thận, bàng quang.
Công năng, Chủ trị
Cố thận, sáp tinh, sáp niệu, sáp trường, chỉ tả.
Chủ trị: Thận hư, di tinh, hoạt tinh, tiểu dầm, tiểu nhiều lần, rong huyết, xích bạch đới, mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm (Kim anh chích muối), ỉa chảy, lỵ lâu ngày (Kim anh sao vàng)
Cách dùng, liều lượng
Ngày 12 - 20 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Có thấp nhiệt, tiểu tiện bí dắt không dùng.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
9. MẠN KINH TỬ CHẾ
Fructus Viticis trifoliae Praeparata
Mạn kinh tử chế là sản phẩm đã chế biến từ quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Mạn kinh (Vitex trifolia L.) hay cây Mạn kinh lá đơn (Vitex rotundifolia L. f.), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Phương pháp chế biến:
Mạn kinh tử sao vàng
Lấy Mạn kinh tử đã sơ chế, sao nhỏ lửa đến khi khô, có mùi thơm. Chà xát, loại cho hết màng trắng và đài hoa còn sót lại. Xay hoặc giã dập khi dùng.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Mặt ngoài màu xám đen hoặc nâu đen thẫm. Thể chất nhẹ và cứng. Mùi thơm đặc trưng, vị nhạt, hơi cay.
Định tính
Sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4 – DĐVN IV).
Bản mỏng: Silica gel G đã hoạt hóa ở 110 oC trong khoảng 1 giờ.
Dung môi khai triển: Cyclohexan - ethylacetat (8 : 2).
Dung dịch thử: Cất tinh dầu từ 40 g Mạn kinh tử chế bằng phương pháp cất kéo hơi nước. Pha một giọt tinh dầu trong 1 ml ether dầu hỏa (TT).
Dung dịch đối chiếu: Cất tinh dầu từ 40 g Mạn kinh tử (mẫu chuẩn) bằng phương pháp cất kéo hơi nước. Pha một giọt tinh dầu trong 1 ml ether dầu hỏa (TT).
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên cùng bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. sau khi khai triển, bản mỏng được để khô ngoài không khí rồi phun thuốc thử vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 110 oC trong 10 phút. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu sắc và Rf với các vết của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 10 % (Phụ lục 12.13, 2g – DĐVN IV)
Tỷ lệ hư hao
Không quá 22%
Tính vị, quy kinh
Vị khổ, tân; Tính vi hàn. Quy kinh: can, phế, bàng quang, vị.
Công năng, chủ trị
Sơ tán phong nhiệt, khu phong thắng thấp. Chủ trị: cảm mạo, nhức đầu do phong nhiệt, hoa mắt, chóng mặt, phong thấp.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 5 - 9 g, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Đau đầu do huyết hư, nhiệt, tỳ hư.
Thận trọng: Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
10. MẪU ĐƠN BÌ CHẾ
Cortex Paeoniae suffruticosae radicis Praeparata
Mẫu đơn bì chế là sản phẩm đã chế biến từ vỏ rễ của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr.), họ Mẫu đơn (Paeoniaceae).
Phương pháp chế biến
Mẫu đơn bì sao vàng
Lấy mẫu đơn bì bỏ lõi, sao đều nhỏ lửa, cho tới khi toàn bộ phía ngoài có mầu vàng hoặc hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của Mẫu đơn bì. Lấy ra, để nguội.
Mẫu đơn bì chích rượu
Mẫu đơn bì bỏ lõi                      1,0 kg
Rượu trắng (30- 35 %)               180 ml
Mẫu đơn bì đã bỏ lõi được trộn với rượu trắng, ủ 30 phút - 1 giờ cho ngấm hết rượu, sao nhỏ lửa tới khô, có mùi thơm đặc trưng của Mẫu đơn bì.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Mẫu đơn bì chế là những đoạn nhỏ hoặc mảnh vỏ rễ có kích thước, dài khoảng 3 – 5 cm, có mầu vàng, có mùi thơm đặc trưng của mẫu đơn bì.
Độ ẩm
Mẫu đơn bì sao vàng, chích rượu không quá 10 %, (phụ luc 12.13, 10g - DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 10%                      
Tính vị, quy kinh
Vị tân, khổ; Tính vi hàn. Quy kinh: tâm, can, thận.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, phát hãn, giải độc.
Chủ trị: phát ban do huyết nhiệt, ho ra máu, chảy máu cam (dùng mẫu đơn bì sao vàng), sốt, đau âm ỉ trong xương mà mồ hôi không ra được, vô kinh, bế kinh, đau bụng kinh, nhọt độc sưng đau, sang chấn (dùng mẫu đơn bì chích rượu).
Cách dùng, liều lượng
Ngày 6 g -  12 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, ỉa chảy, kinh nguyệt ra nhiều, phụ nữ có thai.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
11. NGÔ CÔNG CHẾ
Scolopendra Praeparata
Ngô công chế là sản phẩm đã chế biến từ con Rết (Scolopendra morsitans Linnaeus.), họ Rết (Scolopendridae).
Phương pháp chế biến
- Chế biến dùng ngoài: rết được làm sạch và ngâm nguyên cả con trong bình kín với cồn 900 (5 con/100ml). Ngâm ít nhất sau một tháng mới dùng được.
- Chế biến để dùng trong (uống): rửa sạch, bỏ đầu đuôi, chân, rút ruột, phun hoặc tẩm với rượu 350 (tỷ lệ 10:1) để khử hết mùi tanh, tẩm với 5% dịch ép gừng tươi, sấy nhẹ đến khô.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Màu xám, thể chất giòn, dễ gẫy, mùi hơi cay. 
Độ ẩm 
Không quá 5 % ( DĐVN IV, phụ lục 9.6, 5g,1050C, 3 giờ, DĐVN IV)
Tỷ lệ hư hao
Không quá 20%.
Tính vị, qui kinh
Vị tân; Tính ôn, có độc. Quy kinh: can.
Công năng – chủ trị
Trừ phong, trấn kinh, thông lạc chỉ thống, giải độc, tán kết.
Chủ trị: Kinh giản, co giật trúng phong, cấm khẩu, bán thân bất toại, uốn ván, đau nửa đầu, tràng nhạc.
Cách dùng, liều lượng
Ngày 3 - 5 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác. 
Kiêng kỵ
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt
12. NGƯU BÀNG CHẾ
Semen Arctii lappae Praeparata
Ngưu bàng chế là sản phẩm đã chế biến từ hạt của quả cây Ngưu bàng (Arctium lappa L.), họ Cúc (Asteraceae).
Phương pháp chế biến:
Ngưu bàng tử sao
Làm nóng dụng cụ, cho ngưu bàng tử vào sao nhỏ lửa đến khi thấy hạt hơi phồng, có mùi thơm. Lấy ra, để nguội.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Mặt ngoài màu xám vàng, có đốm màu đen, hơi phồng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay.
Độ ẩm
Không quá 12% (Phụ lục 9.6 – DĐVN IV, 1 g, 105oC, 5 giờ).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 10%
Tính vị, quy kinh
Vị tân, khổ; Tính hàn. Quy kinh: phế, vị.
Công năng, chủ trị
Giải biểu nhiệt, tuyên phế, thấu chẩn, giải độc, thông lợi hầu họng.
Chủ trị: Cảm mạo phong nhiệt, ho đờm nhiều, sởi, hầu họng sưng đau, quai bị, ngứa, mụn nhọt, nhọt độc sưng đau.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 - 12 g, phối hợp với các vị thuốc khác.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
13. TANG PHIÊU TIÊU CHẾ
Ootheca mantidis
Tang phiêu tiêu chế là sản phẩm đã chế biến từ tổ trứng lúc chưa nở của con bọ ngựa sống trên cây Dâu (Morus alba L.), họ Dâu tằm (Moraceae).
Phương pháp chế biến 
Tang phiêu tiêu chích muối 
Tang phiêu tiêu phiến                 1,0 kg
Dung dịch muối ăn 5%              100 ml
Trộn dung dịch nước muối vào tang phiên tiêu phiến, ủ 30 phút. Sao lửa nhỏ đến khô, có mùi thơm.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Màu nâu vàng hoặc nâu hơi xám, mùi thơm, vị hơi chát.
Độ ẩm
Không quá 10 % (Phụ lục 9. 6 – DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 10%
Tính vị, qui kinh
Vị cam, hàm, tính bình. Quy kinh: can, thận .
Công năng, chủ trị
Ích thận, cố tinh, thông tiện, thông kinh hoạt lạc.
Chủ trị: Thận hư, di tinh, tiết tinh sớm, liệt dương.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6g - 12g. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Người âm hư hỏa vượng, bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện ngắn, đỏ.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
14. THẠCH XƯƠNG BỒ CHẾ
Rhizoma Acori graminei Praeparata
Thạch xương bồ chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Thạch Xương bổ lá to (Acorus gramineus Soland. var. macrospadiceus), họ Ráy (Araceae).
Phương pháp chế biến
Thạch xương bồ sao vàng
Lấy Thạch xương bồ phiến sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ bề mặt phiến có mầu vàng hoặc hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.
Thạch xương bồ sao cám
Thạch xương bồ phiến  1,0 kg
Cám gạo                       200 g
Sao cám tới lúc bốc khói trắng, cho Thạch xương bồ phiến vào, đảo đều tới khi toàn bộ mặt phiến Thạch xương bồ có mầu vàng. Lấy ra, để nguội, loại bỏ hết cám.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Thạch xương bồ chế là những phiến mỏng, cong queo, mầu vàng đậm, có vị cay hơi đắng, mùi thơm đặc trưng.  
Độ ẩm
 Không quá 10% đối với Thạch Xương bồ sao vàng hoặc sao cám (DĐVN IV, phụ lục 12.13, 10g).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 12%
Tính vị, quy kinh
Vị tân, vi khổ; Tính ôn. Quy kinh: tâm, can, tỳ.
Công năng, Chủ trị
Thông khiếu, trục đờm, chỉ ho, bình suyễn, tăng trí nhớ, tán phong, giải độc sát trùng.
Chủ trị: đờm vít tắc, hôn mê, suyễn tức, khó thở, viêm phế quản, ho, nhiều đờm (Thạch xương bồ sao vàng), tai ù, tim loạn nhịp (Thạch xương bồ sao cám).
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 4 – 8 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Âm hư hỏa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi không nên dùng.
Bảo quản:
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
15. THỦY XƯƠNG BỒ CHẾ
Rhizoma Acori calami Praeparata
Thủy xương bồ chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Thủy xương bồ (Acorus calamus L.), họ Ráy (Araceae ).
Phương pháp chế biến
Thủy xương bồ sao vàng
Lấy Thủy xương bồ phiến sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài mặt phiến có mầu vàng hoặc hơi vàng, mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.
Thủy xương bồ phiến sao cám
Thủy xương bồ phiến                1,0 kg
Cám gạo                                   200 g
Đun chảo nóng già, đổ cám vào sao tới lúc bốc khói trắng. Cho Thủy xương bồ phiến vào, đảo đều tới khi toàn bộ bên mặt ngoài phiến có mầu vàng đậm. Lấy ra để nguội, loại bỏ hết cám.
Thủy xương bồ chích gừng
Thủy xương bồ phiến                1,0 kg
Gừng tươi                                300 g
Gừng tươi rửa sạch, thái phiến, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm nước sạch, làm vài lần, vắt đủ 200 ml. Trộn đều dịch gừng với Thủy xương bồ phiến. Ủ 24 giờ (6 giờ đảo một lần), lấy ra, để khô se. Sao vàng.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Thủy xương bồ chế là những phiến mỏng, cong queo, mầu hơi vàng (Thủy xương bồ sao vàng), mầu vàng đậm (Thủy xương bồ sao cám), mầu vàng (Thủy xương bồ chích gừng), vị đắng, cay, mùi thơm nhẹ đặc trưng của Xương bồ, ngoài ra còn có mùi thơm của gừng (Thủy xương bồ chích gừng)
Độ ẩm
Không quá 10 % (Thủy xương bồ chế) (DĐVN IV, phụ lục 12.13, 10g ).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 12%
Tính vị, quy kinh
Vị tân; Tính ôn. Quy kinh: tâm, can, tỳ.
Công năng, Chủ trị
Thông khiếu, trục đờm, tăng trí nhớ, tán phong, khoan trung khử thấp, giải độc sát trùng.
Chủ trị: đờm vít tắc, hôn mê, hay quên, viêm phế quản (dùng Thủy xương bồ chích gừng, hoặc sao vàng), tai ù, đau bụng, đầy bụng, ỉa chảy, tâm hồi hộp, loạn nhịp (dùng Thủy xương bồ sao cám).
Cách dùng, liều lượng
Ngày 8 - 10 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Âm hư hỏa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi, không nên dùng.
Bảo quản
Nơi khô, mát,  tránh mốc, mọt.
16. TOÀN YẾT CHẾ
Scorpio Praeparata
Toàn yết chế là toàn thân đã chế biến của con Bọ cạp (Buthus martensii Karsch), họ Bọ cạp (Buthidae). Bọ cạp thường được bắt vào mùa xuân và mùa hạ.
Phương pháp chế biến
- Chế biến thường: Loại bỏ đất cát, rửa sạch bọ cạp rồi nhúng vào nước sôi cho cứng, vớt ra, phơi khô.
- Diêm chế (chế muối): Bọ cạp tươi được làm sạch, ngâm với nước muối 25% trong khoảng 6-8 giờ, nấu với nước muối 25% để trong vòng khoảng 1h cho đến khi bọ cạp bị cứng. Lấy ra, để nguội, đặt nơi thoáng khí, làm khô âm can.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Phần đầu ngực và phần bụng trước dẹt, dài. Phần bụng sau có hình giống cái đuôi, teo lại và uốn cong. Cơ thể mẫu nguyên vẹn có chiều dài khoảng 6 cm. Phần đầu ngực có màu nâu hơi xanh lục, phần trước phát triển nhô ra 1 đôi chân kìm nhỏ, ngắn và 1 đôi chân xúc giác dạng càng cua lớn dài, rộng, phần lưng được che phủ bởi mai giống hình chiếc thang, phần bụng có 4 đôi chân đi mỗi chân có 7 đốt kèm 2 vuốt ở phần cuối. Phần bụng trước bao gồm 7 đốt. Đốt thứ 7 thẫm màu với 5 rãnh xương sống gồ lên ở trên đốt lưng. Mặt lưng có màu nâu hơi xanh lục. Phần bụng sau có màu vàng hơi nâu, có 6 đốt, với các nếp nhăn dọc trên các đốt. Đuôi mang một ngòi châm dạng vuốt sắc và không có cựa gai ở dưới ngòi châm. Mùi hơi hắc, có vị mặn.
Độ ẩm
Không quá 30 % (DĐVN IV, phụ lục 9.6, 5g, 1050C, 3 giờ)
Tính vị, qui kinh
Vị cay; Tính ôn, có độc. Quy kinh: can.
Công năng – chủ trị
Trừ kinh phong, giải độc, tán kết. Chủ trị: Kinh phong, co giật, uốn ván, đau nhức cơ khớp, đau đầu hay đau nửa đầu, liệt mặt, tràng nhạc.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 - 6 g, phối hợp với các vị thuốc khác.
Nếu tán bột: Ngày dùng 0,5 - 1 g.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người bị phong do huyết hư, phụ nữ có thai.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
17. TRI MẪU CHẾ
Rhizoma Anemarrhenae Praeparata
Tri mẫu chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Tri mẫu (Anemarrhena asphodeloides Bunge), họ Hành (Liliaceae).
Phương pháp chế biến
Tri mẫu chích muối
Tri mẫu phiến                            1,0 kg
Dung dịch muối ăn 5%              150 ml
Tẩm dung dịch nước muối với tri mẫu phiến, ủ khoảng 1 giờ, sao nhỏ lửa đến khô. Lấy ra để nguội.
Tri mẫu chích rượu
Tri mẫu phiến                            1,0 kg
Rượu trắng (30 – 35%)              100 ml
Trộn đều rượu vào tri mẫu phiến, ủ trong khoảng 30 phút cho ngấm hết rượu. Sao lửa nhỏ đến khi có màu hơi vàng nâu, khô, thơm mùi đặc trưng. Lấy ra, để nguội.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Tri mẫu đã chế biến: Mặt ngoài màu nâu vàng, mặt trong màu vàng ngà nâu, không còn lông tơ. Thể chất hơi dẻo. Vị hơi đắng, mùi thơm đặc trưng.
Độ ẩm
Không quá 13,0 % cho Tri mẫu chế rượu và chế muối (Phụ lục 9.6 – DĐVN IV; 1g, 1050C, 5 giờ).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 10%
Tính vị, quy kinh
Vị khổ, cam, Tính hàn. Quy kinh: phế, vị, thận.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt tả hỏa, trừ phiền chỉ khát, nhuận táo.
Chủ trị: sốt cao khát nước, phế thận âm hư, cốt chưng, triều nhiệt; nội nhiệt tiêu khát, ruột háo táo bón. 
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 - 12 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác. 
Kiêng kỵ
Người hư hàn.
Bảo quản
Nơi khô, mát, tránh mốc, mọt. 
18. XUYÊN KHUNG CHẾ
Rhizoma Ligustici wallichii Praeparata
Xuyên khung chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Xuyên khung (Ligusticum wallichii Hort.), Họ Hoa tán (Apiaceae).
Phương pháp chế biến
Xuyên khung chích rượu
Xuyên khung phiến                                1,0 kg
Rượu trắng (30 – 35%)                          100 ml
Trộn rượu trắng vào Xuyên khung phiến, ủ khoảng 30phút – 1h cho rượu ngấm đều, sao nhỏ lửa cho đến khi có màu nâu vàng, mùi thơm đặc trưng. Lấy ra, để nguội.
Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến
Xuyên khung đã chế biến có màu nâu hoặc nâu vàng (sao), thể chất cứng chắc, có mùi thơm đặc trưng, vị cay.
Độ ẩm
Không quá 12% (Phụ lục 12.13, DĐVN IV).
Tỷ lệ hư hao
Không quá 10%.
Tro toàn phần
Không quá 5% (Phụ lục 9.8, DDVN IV).
Tính vị, qui kinh
Vị tân, Tính ôn; Quy kinh: can, đởm, tâm bào
Công năng – chủ trị
Hành khí hoạt huyết, khu phong, chỉ thống.
Chủ trị: Điều kinh, cảm mạo phong hàn, phong thấp nhức mỏi, ngực bụng đau tức, nhọt độc sưng đau.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 - 12 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác. 
Kiêng kỵ
Phụ nữ có thai, người âm hư hỏa vượng.
Bảo quản

Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.

0 nhận xét :